[NHỰA ĐỘC HAY KHÔNG ĐỘC]

Tin tức

Vật liệu nhựa là vật liệu cao phân tử (polymers) tổng hợp từ các đơn vị lặp lại (monomers), có phối trộn các phụ gia và được tạo hình ra các sản phẩm nhựa. Như vậy, trong nhựa thành phẩm có thể tồn tại 3 thứ: polymers, monomer dư thừa (residual monomers), và phụ gia. Khả năng gây độc cho con người sẽ phụ thuộc vào khả năng gây độc của 3 yếu tố này. Chúng ta bàn từng thứ trước ha.

39385805_1648341815293941_6458185311875760128_n

Polymer là vật liệu cao phân tử, mạch rất dài, chứa hàng ngàn tới hàng trăm ngàn đơn vị monomer. Rất khó để một polymer được hấp thụ vào cơ thể do phân tử quá lớn, chuỗi quá dài. Để các bạn dễ hình dung, thường các bạn nữ chăm sóc da hay thích thoa serum vitamin C hoặc hyaluronic acid cho trắng đẹp với dưỡng ẩm da đúng không. Tuy nhiên, da của chúng ta là hàng rào vật lý bảo vệ đầu tiên của cơ thể, không phải cái gì cũng xâm nhập qua da được nha. Do đó, dù cho vitamin C là chất thấp phân tử rồi (vitamin C trọng lượng phân tử 176g/mol) vẫn khó mà được hấp thụ qua da, nhiều người phải đi tiêm dưới da hoặc lăn kim trước. Hyaluronic acid cũng là hợp chất cao phân tử nên cũng rất khó hấp thu khi dùng ngoài da nhe. Vậy nên polymer thì lại càng khó bị hấp thụ vào trong cơ thể qua tiếp xúc ngoài da thông thường. Khi nuốt vào trong cơ thể, tiếp xúc với niêm mạc, máu và nội tạng, nếu mắc lại trong cơ thể thì có thể gây ra các phản ứng dị ứng, viêm nhiễm (trong trường hợp xấu – negative response), hoặc cũng sẽ bị cơ thể cô lập bằng cách phát triển một cái kén tế bào sợi nhốt nhựa ở trong (fibrous encapsulation). Nhưng thường thì polymer rất khó bị phân giải mà thường sẽ đi theo đường tiêu hóa và được đào thải qua phân, như các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa trong phân của một vài người. Vậy nên khả năng gây độc của polymer là rất thấp. Nếu có nguy hại thì phần nhiều là do tác động vật lý nếu mảnh nhựa quá lớn không để đi ra ngoài, mắc kẹt lại cản trở các quá trình sinh lý khác trong cơ thể như tiêu hóa chẳng hạn.

Trái lại, monomer là chất thấp phân tử, thường tiền tố sx polymer là chất khá độc và tồn tại trong nhựa dưới dạng cặn dư sau quá trình tổng hợp. Tuy nhiên, các nhà sx luôn muốn sản phẩm của mình đạt chất lượng cao, đánh giá qua độ tinh khiết và hàm lượng tạp chất, do đó hàm lượng monomer cặn dư tồn tại trong nhựa là rất rất thấp, cho dù nó có tồn tại ở đó cũng rất khó để nó di chuyển từ nhựa ra ngoài và tạo ra một hàm lượng đủ gây độc cho bạn.

Phụ gia cũng tương tự như monomer ở chỗ chúng là các hợp chất thấp phân tử và tồn tại ở hàm lượng rất thấp trong nhựa. Hơn nữa, mỗi loại phụ gia đều phục vụ một mục đích nhất định chứ không ai bỏ tiền ra mua 1 chất không có tác dụng gì chỉ để gây độc hại cho bạn.

Như vậy, yếu tố nguy cơ gây độc lớn nhất trong nhựa là từ cặn dư monomer và phụ gia. Có phải chỉ có nhựa mới phân giải ra chất độc không? CÂU TRẢ LỜI LÀ: KHÔNG! Các kết quả nghiên cứu cho thấy, BẤT KỲ LOẠI VẬT LIỆU NÀO CŨNG CÓ KHẢ NĂNG THÔI NHIỄM HÓA CHẤT VÀO THỰC PHẨM, tức là kể cả giấy, thủy tinh, gốm sứ, kim loại cũng có thể nhé. Mời bạn tham khảo danh sách các chất có thể thôi nhiễm từ các vật liệu khác. Ngoài ra, bạn còn có nhiều nguy cơ nhiễm các hóa chất độc hại hoặc các khí gây ô nhiễm nhiều hơn qua quá trình ăn uống, hít thở không khí ô nhiễm nữa.

39453462_1648342145293908_3302758876289433600_o

Nếu tất cả các loại vật liệu từ nhựa, giấy, kim loại, gốm sứ, thủy tinh đều có khả năng thôi nhiễm độc tố vào thực phẩm và đồ uống, vậy làm thế nào để chúng ta xem xét và kiểm soát khả năng gây độc của chúng? Chúng ta cần phải xem xét các mặt như sau bao gồm: nguy cơ thôi nhiễm, điều kiện xảy ra thôi nhiễm và khả năng gây độc của chất đang xét. Thứ 1, nguy cơ thôi nhiễm bao gồm hàm lượng ban đầu của chúng tồn tại trong nhựa (chúng có tồn tại trong nhựa hay không, nếu có thì ở dưới dạng thành phần (intentionally added) hay tạp chất (non-intentionally added)), tốc độ và mức độ thôi nhiễm tối đa của chất đang nói đến. Thứ 2, điều kiện xảy ra thôi nhiễm là gì, bao bì có tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm không (diện tích tiếp xúc), ở nhiệt độ nào, thời gian tiếp xúc là bao lâu và tính chất của sản phẩm được chứa là đồ khô, chất lỏng, dầu mỡ hay có tính acid. Thứ 3 là bản chất hóa học của chất đang xét, khả năng gây độc của nó, tức là so sánh hàm lượng thôi nhiễm và ngưỡng gây độc cấp tính (lượng đủ để gây độc ngay lập tức) và ngưỡng gây độc mãn tính (giới hạn tiếp xúc với chất đó trong thời gian dài và liên tục – tolerance daily intake) và khả năng đào thải chất đó của cơ thể nữa.

39400049_1648342165293906_7469097528181391360_o

Như vậy, để xem xét một chất có độc hay không thì chúng ta phải xem xét rất nhiều khía cạnh. Nói không không như vậy thì oxy cũng gây độc, gây oxy hóa tế bào và cơ thể, gây lão hóa đó nên các bạn đừng hít oxy nữa nhé :))). Vì mỗi người không thể tự làm từng ấy thí nghiệm để kiểm tra cho nên đã có một thế lực khác làm việc này cho chúng ta rồi, đó là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý và bảo đảm an toàn về hóa chất, dược phẩm, thực phẩm và môi trường của mỗi nước, nổi trội nhất có lẽ là Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm FDA Mỹ và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu EFSA.

Quy định khung của Châu Âu (Regulation (EC) No 1935/2004) nêu ra các điểm sau:

Vật liệu được dùng cho mục đích tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (FCM) thì phải thỏa mãn các quy tắc cơ bản sau:

– Không phân giải ra các thành phần độc hại với hàm lượng có thể gây hại cho sức khỏe con người/người dùng. (AN TOÀN THỰC PHẨM – FOOD SAFETY).

– Không thay đổi thành thành phần, mùi, vị của thực phẩm đến mức không thể chấp nhận. (CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM – FOOD QUALITY).

Ngoài ra, Cơ quan An toàn Thực Phẩm Châu Âu (EFSA) còn ban hành các bộ quy tắc riêng rất chi tiết cho từng nhóm thực phẩm như nhựa tổng hợp, giấy và bìa carton, thủy tinh, gốm sứ và kim loại và hợp kim cũng như bao bì có hoạt tính và bao bì thông minh (active and intelligent packaging). Trong từng bộ quy tắc này có quy định rõ từng hoạt chất có thể được dùng trong quá trình sản xuất các loại vật liệu trên, giới hạn thôi nhiễm là bao nhiêu, kiểm định như thế nào. Tất cả các hoạt chất khác muốn dùng thì nhà sản xuất phải soạn thảo đơn yêu cầu kiểm định, chứng minh các hoạt chất này là an toàn khi sử dụng trong sản phẩm bao bì. Tất cả các sản phẩm muốn vào được thị trường châu Âu thì phải thỏa mãn các yêu cầu của quy định khung và các bộ quy tắc riêng cho từng nhóm sản phẩm.

Các sản phẩm muốn vào thị trường Mỹ cũng phải tuân theo các quy định gắt gao của FDA – Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Bao bì, đặc biệt là Bao bì tiếp xúc thực phẩm (Food Contact Materials), và ngành Dược phẩm và Thiết bị Y khoa (Drugs and Medical Devices) là 2 ngành bị kiểm soát cực kỳ gắt gao bởi chúng liên quan tới Sức khỏe cộng đồng và An toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm trong 2 ngành này phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt và phải thông qua nhiều thủ tục, quy trình kiểm định an toàn vừa khắt khe vừa tốn kém. Đối với tất cả các loại vật liệu ứng dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nhà sản xuất phải đưa ra đủ các bằng chứng và dữ liệu khoa học để chứng minh rằng việc sử dụng chúng là an toàn. Kiểm định an toàn của FDA dựa trên 3 yếu tố sau: loại vật liệu được sử dụng, hàm lượng tích lũy (cumulative exposure) của những chất có thể thôi nhiễm vào thực phẩm và đồ uống, mức độ an toàn (tức so sánh giữa mức độ thôi nhiễm với ngưỡng giới hạn an toàn).

Capture

Ở các nước còn lại cũng có thể có bộ quy chuẩn riêng theo từng nước sở tại hoặc nếu nó đã được chấp thuận cho phép lưu hành bởi FDA hoặc cơ quan châu Âu thì những nước khác cũng chấp nhận cho phép được phép lưu hành luôn.

Việt Nam cũng có một bộ tiêu chuẩn cho vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm như vậy, tuy là không có được chi tiết và kỹ như vậy, nhưng cũng có kiểm định hàm lượng kim loại nặng như chì, Cadmium, nồng độ phenol, formaldehyde, cặn khô, vinyl clorid, cresyl phosphate, chất bay hơi như styrene, toluene, propyl benzen v.v. sau một thời gian tiếp xúc với thực phẩm. Các thương hiệu lớn có lẽ đều phải đạt được các tiêu chuẩn này mới được lưu hành trên thị trường. Mình chỉ nói rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được quản lý, được quy định rõ ràng để bảo vệ người tiêu dùng nên các tin tức nhảm gây hoang mang các bạn từ nay đừng để ý nữa nhé. Các bộ tiêu chuẩn và các cơ quan này luôn luôn cập nhật tin tức, kết quả nghiên cứu mới để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng chứ ko phải ra tiêu chuẩn rồi thôi đâu. Đây là sứ mệnh của họ mà.

39294413_1648342268627229_2003999858771361792_n.png

Lời khuyên dành cho người tiêu dùng:

– Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng!!! Người ta có ghi nhiệt độ được sử dụng cho mỗi loại đồ dùng, cách sử dụng, bảo quản, rửa, v.v. thì các bạn cứ theo đó mà làm, đừng có phát minh thêm ứng dụng bậy bạ cho đồ dùng là đc.

– Lựa chọn thương hiệu có uy tín để dùng, kể cả thủy tinh hay kim loại.

– Không dùng đồ kim loại trong lò vi sóng nhé:D.

Nguồn: Ngoc Huynh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhựa Polyetylen là gì ?

Nhựa Polyetylen (PE) là gì? Polyetylen (tiếng Anh: polyethylene hay polyethene; viết tắt: PE), là một…